Trong bối cảnh đó, để ngành giáo dục phổ thông đáp ứng được đòi hỏi cấp thiết của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức Cuộc thi thiết kế bài giảng E-learning. Bài giảng E-learning có vai trò rất hữu ích cho việc học tập của HS trong thời kì công nghệ số. Đồng thời, nó cũng thúc đẩy tinh thần tự học, tự sáng tạo của giáo viên trong phong trào đổi mới PPDH, hình thức dạy học nhất là trong thời gian phòng chống dịch COVID 19 với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, nâng cao tính trực quan sư phạm, phát huy tiềm năng cá nhân, tạo ra môi trường lí tưởng cho hoạt động dạy học.
Hưởng ứng Cuộc thi thiết kế bài giảng E-learning trên, cô giáo Lê Phương Hà đã đại diện các thầy cô trường THCS Thanh Xuân Trung tham dự và xuất sắc giành giải Nhất cấp Quận với bài giảng “Một thứ quà của lúa non: Cốm” (Ngữ văn 7). Tiếp đến, bài giảng của cô tiếp tục được dự thi cấp Thành phố. Ngày14-15/4/2021, Cô Phương Hà là một trong 6 giáo viên xuất sắc cấp THCS tham dự ngày hội thi CNTT ngành GD&ĐT Hà Nội lần thứ V.
Cô giáo Lê Phương Hà tự tin thuyết trình bài giảng E-learning: “Một thứ quà của lúa non: Cốm”
Được sự định hướng, chỉ đạo của Ban giám hiệu, sự giúp đỡ của tổ chuyên môn, cùng với sự nỗ lực tự nghiên cứu học hỏi của bản thân, cô Phương Hà đã lựa chọn phần mềm iSpring Suite 10 để thiết kế bài giảng của mình. Cô muốn tận dụng, kết hợp khả năng thiết kế bài giảng một cách mềm dẻo của Powerpoint. iSpring Suite 10 biến Powerpoint thành công cụ soạn bài giảng E-learning, để học sinh tự học, tự suy nghĩ và ghi lại lời giảng một cách chủ động.
Trong tâm thế tự tin, sự am hiểu về phong vị đặc sắc, nét đẹp văn hóa cổ truyền trong một thứ quà độc đáo và giản dị của dân tộc, của Hà Nội: Cốm; qua những lời giảng nhẹ nhàng mà sâu sắc, truyền cảm, cô giáo Phương Hà đã khiến cho Ban giám khảo cùng người dự thực sự bị cuốn hút, thuyết phục. Không chỉ vậy, cô đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ về sự thông thạo khi sử dụng các phần mềm công nghệ hiện đại để đưa một bài giảng Ngữ văn đến với người học, giúp phát huy năng lực chủ động, sáng tạo của học sinh, hướng học sinh đến việc tự học, tự rèn luyện các kỹ năng để có thể “học suốt đời”. Đặc biệt, bài giảng được cô biên soạn công phu song ngữ Anh – Việt tạo nên sự khác biệt. Có thể nói, giáo dục song ngữ là một xu thế tất yếu của giáo dục trong thời đại hội nhập. Với những học sinh khá giói, học sinh có niềm đam mê tiếng Anh thì đây là cơ hội để con phát triển năng lực ngôn ngữ, mở rộng vốn từ, cách phát âm thông qua tìm hiểu thêm bài giảng song ngữ. Bài giảng không chỉ giúp học sinh Việt Nam mà học sinh nước ngoài cũng có thể đọc - hiểu về một thức quà đặc sản của dân tộc ta, chứa đựng những giá trị văn hóa tốt đẹp lâu đời. Cô đã lan tỏa tới người nghe niềm tự hào về nếp sống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội.
Với mục đích tạo hứng thú, tăng tính tương tác của học sinh, phân hóa được đối tượng học sinh kết thúc các phần học bài giảng do cô thiết kế đã xây dựng hệ thống bài tập với các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng với nhiều hình thức như: lựa chọn đáp án, điền từ, chọn đúng sai, trắc nghiệm, kéo thả… để khai thác tối đa tính năng của phần mềm Ispring. Những câu trả lời đúng, các con sẽ nhận được lời động viên, khích lệ của cô giáo. Nếu HS trả lời sai HS được trả lời lại lần nữa và sẽ có phần định hướng của GV để con có thể hoàn thành tốt bài tập. Với một bài tập củng cố viết đoạn văn thụ - một yêu cầu bắt buộc khi HS cảm thụ tác phẩm văn học, giáo viên đã liên kết với Google Docs. Việc tạo link giúp học sinh hoàn thành bài tập vận dụng, đồng thời giúp cho giáo viên dễ dàng kiểm tra và chấm chữa bài cho học sinh.
Với mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, hướng tới phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu của HS thì việc giáo viên định hướng tư liệu tham khảo cho các con là vô cùng quan trọng. Xuất phát từ mục tiêu trên, cô giáo Lê Phương Hà đã xây dựng trong bài giảng của mình hệ thống thư viện mở rộng để trang bị thêm kiến thức cho học sinh về bức tranh làm nghề cốm và các trang văn viết về cốm để giáo dục cho các con HS ý thức trân trọng, tự hào về một món quà giản dị mà tinh khiết của HN mỗi độ thu về.
Các phần bài giảng được cô Phương Hà thiết kế công phu, sáng tạo và hấp dẫn
Với bài dự thi E-learning sáng tạo và báo cáo xuất sắc của mình, cô giáo Phương Hà được Ban giám khảo trao Giải nhất Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử, phần mềm dạy học cấp Thành phố - bài “Một thứ quà của lúa non: Cốm” (Ngữ văn 7).
Cô giáo Lê Phương Hà vinh dự, tự hào nhận Bằng khen giải Nhất Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử, phần mềm dạy học cấp Thành phố
Cô Lê Thị Sai – Phó Bí thư chi bộ, Phó hiệu trưởng nhà trường tặng hoa chúc mừng thành tích rực rỡ của cô giáo Lê Phương Hà
Cô Lê Thị Sai – Phó Bí thư chi bộ, Phó hiệu trưởng nhà trường chụp ảnh kỉ niệm
cùng cô Lê Phương Hà tại gian trưng bày sản phẩm CNTT quận Thanh Xuân trong ngày hội CNTT lần thứ V cấp Thành phố
Sự thành công của cô giáo Lê Phương Hà cũng chính là thành công của trường THCS Thanh Xuân Trung. Cô chính là bông hoa tô điểm, làm rạng rỡ cho vườn hoa thành tích của Quận Thanh Xuân nói chung và trường Thanh Xuân Trung nói riêng. Chúc cô cùng tập thể Hội đồng sư phạm nhà trường tiếp tục phấn đấu, vươn lên đạt nhiều thành tích hơn nữa trong sự nghiệp trồng người, khẳng định chất lượng giáo dục vượt trội của mái trường Thanh Xuân Trung mến yêu.