“Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi
Dịu dàng trong tiếng ru hời
Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi
Trầm sâu trong tiếng đất trời”
Biển đảo là một vùng lãnh hải thiêng liêng, một giai điệu đặc biệt của Tổ quốc Việt Nam, đồng thời là một nguồn đề tài lớn của văn học Việt Nam. Từ xa xưa đến nay, đã có nhiều cuốn sách viết về biển đảo ra đời trên nhiều thể loại như ký, tiểu thuyết, thơ, kịch, truyện ngắn, ca khúc… Nhưng “Biển đảo Tổ quốc tôi” là một hợp tuyển đồ sộ nhất, phong phú nhất và đa dạng nhất bao gồm cả thơ và văn xuôi.
Cuốn sách có thể xem như một bức tranh toàn cảnh về biển đảo Việt Nam được vẽ bằng vẻ đẹp ngôn ngữ nghệ thuật. Từ những nét bút điêu luyện, mực thước của ông cha ta, của những tác giả cổ điển cho đến những nét phác họa phóng túng, sinh động của các tác giả sinh ra khi nước nhà đã thống nhất, một vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc đã hiện lên với đầy đủ dáng vẻ kỳ vĩ đúng như những gì nó có. Trong cuốn sách, đặc biệt có mảng thơ viết về Biển Đông và Trường Sa - vùng sóng gió khốc liệt và bất an của Tổ quốc từ bao đời nay. Qua cuốn sách, chúng ta thêm hiểu biết, yêu quý, trân trọng và tự hào về vùng biển thiêng liêng của đất nước.
Một nét đặc sắc của hợp tuyển này là tính chân thực. Ta gặp ở đây nhiều cảnh ngộ, nhiều tấm lòng yêu thương gắn bó với biển đảo: có cái nhìn sâu sắc, thâm hậu của ông cha; có cảm xúc dào dạt ngỡ ngàng của người mới nhìn thấy biển đảo lần đầu; có cả tấm lòng từ xa ngưỡng vọng… Bên cạnh những tác giả cổ điển, những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng, còn có cả những người mới cầm bút lần đầu. Mỗi người một giọng điệu, một cách tiếp cận góp phần làm cho cuốn sách phong phú, đa dạng. Đó cũng là sức mạnh làm nên sự hấp dẫn riêng biệt của cuốn sách.
Cám ơn Nhà xuất bản Văn học đã có nhiều công phu, sưu tầm, biên soạn cuốn sách quý này. Bằng sức mạnh ngôn từ, các nhà văn đã cùng với ông cha ta cắm thêm những cột mốc chủ quyền bằng văn chương cho một lãnh hải thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Tổ quốc.
Mời thầy cô và các bạn lên thư viện tìm đọc cuốn sách này nhé!