Những kỉ niệm đẹp và thân yêu ấy được viết lên, ngợi ca một cách ý nghĩa, đầy ấn tượng trong cuốn sách: “Dưới mái trường thân yêu - tập 5” do Lê Thanh Sử, Thúy Hằng biên soạn; Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, năm 2015.
Quyển sách gồm 45 câu chuyện, xoay quanh 3 chủ đề: tình bạn học đường, tình nghĩa thầy trò, kỉ niệm mái trường xưa. Có thể nói, những tình cảm trong từng mẩu chuyện vẫn luôn hiện diện thường nhật hàng ngày trong môi trường sư phạm, chỉ có điều chúng ta chưa cảm nhận rõ, chưa dám biểu lộ hay chưa có dịp tôn vinh. Quyển sách đã giúp chúng ta nhìn nhận về trường học, thầy cô, bạn bè một cách sâu sắc, thấm thía hơn.
“Bài học đầu tiên mà những học trò được thầy cô mình dạy có khi là những điều bình dị mà bấy lâu nay mình đã quên. Đó là bài học biết cảm nhận và trân trọng những vẻ đẹp gần gũi quanh mình, những người thân yêu ruột thịt để từ đó yêu cuộc sống này; bài học về sự khiêm tốn và cách làm người trong cuộc đời”. Đây quả là bài học quý giá để chúng ta suy nghĩ và hoàn thiện bản thân mình hơn.
Có những nơi, trường học thì nghèo lắm, học sinh nghèo, thầy cô cũng nghèo nhưng tình yêu thương, sự tận tâm trong dạy và học giàu vô cùng. Thầy cô không cần những món quà đắt tiền các em tặng mà đơn giản chỉ là những bông hoa điểm 10 và những buổi lên lớp học bài, làm bài đầy đủ. Cuộc sống luôn hiện diện những thử thách, khó khăn, trong học tập cũng thế. Nếu chúng ta cố gắng, chăm chỉ học tập thì sẽ thu được kết quả học tập tốt.
Và thêm một vài cảm nghĩ của các cô cậu học trò viết gửi cho thầy cô mình như sau:“Dù cả lúc thầy cô quát mắng nhưng chúng tôi biết đó là sự hóa thân của thầy cô trở thành cha mẹ, lo cho học sinh như những đứa con. Thầy cô dạy cho chúng tôi những đức tính tốt đẹp, những đạo lí làm người. Thầy cô luôn quan tâm đến chúng tôi, mừng trước sự tiến bộ của chúng tôi, trăn trở vì những khuyết điểm mà chúng tôi vấp phải. Và chính những người thầy, người cô, những con người luôn tận tụy suốt những năm tháng ấy đã dìu dắt tôi đến bến bờ tri thức, để bây giờ mỗi khi nhớ lại là biết bao cung bậc, những cảm xúc khó tả biết chừng nào”.
Trong môi trường sư phạm, chúng ta thường hay nghe cụm từ “học sinh cá biệt”. Chúng ta có những suy nghĩ gì về học sinh này? “Học sinh cá biệt” thường được dùng theo nghĩa không tốt, là những học sinh có cá tính riêng biệt, thích làm khác mọi người theo hướng tiêu cực về lối sống, học tập và sinh hoạt. Mỗi học sinh cá biệt dù được cảm hóa bởi một thầy cô giáo nào đó chưa hẳn các em ấy cũng đã thay đổi trong những môn học khác với thầy cô khác và tương tự, sự thay đổi về kỷ luật, đạo đức học sinh chỉ là tiền đề chứ không phải là yếu tố quyết định tạo sự chuyển biến tích cực nhanh chóng cho các em về học lực. Khi đọc quyển sách, người đọc hiểu hơn đối với những học sinh cá tính cần giải pháp tâm lí hơn là kỉ luật nghiêm khắc. Các em cần sự quan tâm, cảm thông, động viên hơn. Các thầy cô nên biết cách khéo léo và có phương pháp đặc biệt hơn đối với các em. Tất cả cách làm chăm chút, tỉ mỉ, cũng như sự lao tâm khổ trí của thầy cô đều được học trò nhìn nhận và thấu hiểu, muốn sửa sai nhưng các em cần có thời gian. Em học sinh bé nhỏ trong vài dòng tâm sự đã sẽ chia rằng: “Em biết mình đã sai, nhưng khi nhận ra cái sai thì đã rời mái trường thân yêu không có cơ hội để thay đổi, cách duy nhất là cố gắng học tập vào thời gian tiếp theo, sau đó về thăm thầy cô để cho thầy cô vui lòng”, “Cô không phân biệt giữa học sinh giỏi và học sinh yếu, cô đã động viên và khích lệ rất nhiều về tinh thần, về ý chí cho học sinh của mình”.
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”
(Chế Lan Viên)
Hai câu thơ gợi trong lòng ta biết bao suy ngẫm. Khi rời xa trường, tình cảm chúng ta dành cho trường sẽ càng thắm thiết và sâu đậm. Bởi lẽ, trong mỗi cuộc đời con người, cái thời đẹp nhất là những năm tháng hồn nhiên cắp sách đến trường bên thầy cô kính yêu, bạn bè thương mến.
Tóm lại, cuốn sách “Dưới mái trường thân yêu – tập 5” được xuất bản nhằm khơi dậy, giáo dục cho học sinh những tình cảm gắn bó với trường lớp, nơi mình đã và đang học tập. Qua đó, học sinh có ý thức học tập và rèn luyện đạo đức tốt hơn để xứng đáng với truyền thống nhà trường. Nội dung sách cũng góp phần vào phong trào thi đua xây dựng Trường học thân thiện, học sinh tích cực.
Thư viện trường THCS Thanh Xuân Trung xin trân trọng giới thiệu cuốn sách “Dưới mái trường thân yêu - tập 5” đến bạn đọc !