Giới thiệu cuốn sách:“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”
Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh
Ở một nơi nào đấy xa xôi
Có thành phố,
ngày xưa,
có thành phố
Nơi rất ấm, tuổi thơ ta ở đó
Từ rất lâu,
đã từ lâu
trôi qua…
Đêm nay tôi bước vội khỏi nhà,
Đến ga
xếp hàng mua vé:
Lần đầu tiên trong nghìn năm,
Có lẽ,
Cho tôi xin một vé
đi Tuổi Thơ.
Ai mà không có tuổi thơ! Ai mà không có những kỉ niệm về một thời thơ dại! Tuổi thơ nhắc lại như trong truyện cổ tích hay như câu chuyện về những cô bé cậu bé ngày xưa. Đó là những tháng ngày đuổi bướm hái hoa, những trưa hè trốn ngủ đi chơi, những buổi chiều tắm sông mát rượi. Tuổi thơ của bạn có thể là những cánh diều vi vu tiếng sáo bay cao cao vút tận mây xanh. Hay đó có thể là những trò nghịch ngợm cùng lũ trẻ hàng xóm: ném lon, trốn tìm, bắn bi, là trò chơi đuổi bắt...
Đã bao giờ bạn vạch ra một hành trình tìm về với tuổi thơ.Và đã khi nào bạn có ý định cầm trên tay chiếc vé của chuyến tàu đặc biệt, chuyến tàu tuổi thơ.
Hôm nay, thư viện trường THCS Thanh Xuân Trung xin dành tặng bạn đọc tấm vé trở về tuổi thơ từ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh qua tập truyện “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”.
Ngay sau khi nhà xuất bản Trẻ ấn hành lần đầu tiên, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” đã là cuốn sách bán chạy nhất Việt Nam năm 2008. "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" không chỉ là cuốn sách bán chạy nhất mà còn được bạn đọc báo Người lao động bầu chọn là cuốn sách hay nhất năm. Cuốn sách được trao giải Vàng sách hay của Hội nhà văn Việt Nam năm 2009, được nhận giải thưởng văn học ASEAN năm 2010. Đến quý III năm 2012 cuốn sách đã tái bản đến lần thứ 31 với số lượng kỉ lục hơn 100.000 bản in.
Điều gì đã khiến một cuốn sách nhỏ được yêu thích và giành được nhiều giải thưởng đến như vậy? Xin mời bạn đọc hãy cùng khám phá 12 chương của cuốn sách, với các chương truyện như: Tóm lại là đã hết một ngày, bố mẹ tuyệt vời, buồn ơi là sầu, tôi ngoan trong bao lâu và cuối cùng là chuyến tàu không có người xoát vé. Những cái tên như từng cánh cửa dẫn bạn trở về với thế giới của tuổi thơ.
Những trò tinh nghịch, những suy nghĩ ngộ nghĩnh của trẻ thơ vốn đã rất quen thuộc với chúng ta nhưng đến với những trang viết của Nguyễn Nhật Ánh bạn đọc sẽ còn khám phá nhiều điều bất ngờ, lí thú.
Một câu chuyện hứa hẹn nhiều niềm vui như thế nhưng bắt đầu bằng nỗi buồn không tìm được lời giải đáp của chú bé lên tám tuổi: “Một ngày tôi chợt nhận thấy cuộc sống thật là buồn chán và tẻ nhạt…Vẫn ánh mặt trời đó chiếu rọi mỗi ngày. Vẫn bức màn đen đó buông xuống mỗi đêm. Trên mái nhà và trên các cành lá sau vườn, gió vẫn than thở giọng của gió. Chim vẫn hót giọng của chim. Dế ri ri giọng dế, gà quang quác giọng gà. Nói tóm lại cuộc sống thật là cũ kĩ.”
Đó là đoạn trích trong chương đầu của tác phẩm có tiêu đề “Tóm lại là đã hết một ngày”. Và nỗi băn khoăn của cu Mùi cũng chính là khởi đầu cho mọi câu chuyện trong cuốn sách.
Một ngày của cu Mùi, nhân vật chính là phải cố hết sức để thức dậy trong khi vẫn còn muốn ngủ tiếp, là việc vệ sinh buổi sáng trước khi bị ấn vào bàn ăn để uể oải nhai chóp chép một thứ gì đó thường là không hợp khẩu vị, là việc truy lùng sách vở để nhét vào cặp, rồi chạy tới trường, là bị ba mẹ cột chặt vào giấc ngủ trưa, là việc thỉnh thoảng được phép chạy ra trước cửa chơi nhưng dưới ánh mắt giám sát của mẹ từ một ô cửa bí mật nào đó mà mãi mãi không khám phá ra được và cuối cùng là học bài cho đến khi ngủ gục vào buổi tối. Không chỉ đối với cu Mùi mà với Hải cò con Tủn và con Tí sún ngày nào cũng trôi qua như thế. Người lớn đặt sẵn lịch trình cho những đứa trẻ với suy nghĩ mang lại những gì tốt đẹp nhất cho các em. Nhưng lũ trẻ không nghĩ thế. Chúng cần một thế giới mới mẻ của riêng mình. Chúng đã thay đổi thế giới một cách sáng tạo như thế nào? Mời bạn đọc tiếp tục khám phá những trang văn dí dỏm đậm chất trí tuệ của Nguyễn Nhật Ánh.
Chương II của tác phẩm, “Bố mẹ tuyệt vời” với bảo bối sẵn có của trẻ thơ là trí tưởng tượng, các em chơi trò “bố mẹ, con cái” nhưng nội dung của xã hội bé bỏng đó lại không sao chép cuộc sống của người lớn mà hoàn toàn lật ngược, đảo tung hết mọi trật tự quen thuộc.
Cu Mùi cưới con Tí sún chừng năm phút thì lập tức đẻ liền hai đứa con: thằng Hải cò và con Tủn.
Cu Mùi kêu lớn:
- Hải cò đâu?
- Con đang học bài.
- Giờ này mà học bài hả? Đồ lêu lổng!
Hải cò đưa tay ngoáy lỗ tai để nghe cho rõ:
- Học bài là lêu lổng?
- Chứ gì nữa ! Không học bài làm bài gì hết ! Con ngoan là phải chạy nhảy, trèo cây, tắm sông, đánh lộn !
Hải cò không ngờ vớ được ông bố điên điên như thế, cười toét miệng :
- Vậy con đi đánh lộn đây !
Tới lượt con Tí sún làm mẹ, nó hỏi :
- 2 lần 4 là mấy ?
- Dạ, là 8.
Con Tí sún không quát tháo om sòm như cu Mùi, nhưng mặt nó trông thật thiểu não :
- Sao lại là 8 hả con ? Thật uổng công mẹ cho con ăn học !
Hải cò chớp mắt :
- Chứ là mấy ?
- Là mấy cũng được nhưng không phải là 8.
- Mẹ ơi, theo bản cửu chương thì 2 lần 4 là 8.
- Mày là con vẹt hả con ? Bảng cửu chương bảo gì là mày nghe nấy sao ? Thế mày không có cái đầu à ?
Hải cò sờ tay lên đầu, hối hận :
- Con đúng là một đứa không có đầu óc. Lần sau con sẽ không nghe theo bất cứ ai nữa, dù đó là bảng cửu chương hay thầy cô giáo. Con hứa với mẹ con sẽ tự suy nghĩ bằng cái đầu của mình.
Câu nói của Hải cò coi như tuyên bố chung của cả bọn, kết thúc một thời kì tăm tối chỉ biết sống dựa vào sự bảo ban của người khác. Cuộc sống như thế theo lũ trẻ mới là “đáng sống làm sao”.
Trong cuốn sách còn rất nhiều những chương chuyện hấp dẫn như: “đặt tên cho thế giới "," tôi là thằng cu Mùi", " trang trại chó hoang" với rất nhiều tình huống hài hước của lũ trẻ. Vì sao cái bàn ủi nhà con Tủn lại trở nên hung dữ ? Một kho báu đã được khai quật ra sao? Vì sao Cu Mùi trở thành thầy hiệu trưởng ? Và lũ trẻ đã trở thành lũ giết người như thế nào? Mời bạn đọc tiếp tục cuộc hành trình để khám phá những bí mật đến từ thế giới của bốn đứa trẻ.
Cái sân ga tám tuổi của nhân vật tôi như là một điểm tựa kí ức để tác giả thả vào đó những triết lí, những suy ngẫm, những trăn trở về cuộc đời. “Thực tế sống trên đời ai mà chẳng có khuyết điểm: Trong khi trẻ con cố che khuyết điểm của mình trong mắt người lớn thì người lớn cũng tìm mọi cách giấu giếm khuyết điểm của mình trong mắt trẻ con. Nhưng trẻ con làm điều đó tốt hơn và khéo léo hơn đơn giản là trẻ con sợ bị phạt. Người lớn che giấu khuyết điểm kém hơn, không phải vì vụng về hơn, mà do… cái ý nghĩ tai hại rằng Phạm khuyết điểm là đặc quyền của người lớn.”
Xen kẽ những kỉ niệm sáng bừng đẹp đẽ của lũ trẻ với những đối thoại ngây thơ, đầy ắp tiếng cười nhưng lại khiến người lớn cảm thấy đâu đó một nỗi bâng khuâng, một nỗi buồn không nói thành lời.
“- Mẹ mình đã năm lần đánh mất chìa khóa xe, mười hai lần đánh mất chìa khóa tủ mà chẳng ai nói gì.
Con Tí sún thút thít:
- Ba mình hứa với mình là sẽ bỏ rượu. Nhưng ba mình có giữ lời đâu.”
Chúng lập một phiên toà xét xử người lớn, và trong trò chơi của lũ trẻ, những ông bố bà mẹ đều biết nhận lỗi: Đó là nội dung của chương truyện “ Có ai biết bây giờ là mấy giờ không ?”
“Hải cò nện lọ mực xuống bàn đánh cốp mặt khó đăm đăm :
- Ba đi đâu mà giờ này mới về ? ba có biết bây giờ là mấy giờ rồi không ? Cu Mùi gục đầu xuống lí nhí.
- Ờ ba gặp mấy người bạn, vui miệng làm mấy ly
Hải cò nói, mắt ngân ngấn nước :
- Chớ sao ba còn say rượu nữa, rủi có mệnh hệ gì vợ con bỏ cho ai nuôi ?
Cu Mùi gục đầu xuống :
- Ba biết lỗi rồi.
Con Tủn đột nhiên nức nở : Mẹ không bao giờ tôn trọng con hết
- Nín đi con, mẹ luôn thương con mà
- Con nói mẹ không tôn trọng con chứ không nói mẹ không thương con
Con Tủn ấm ức dằn từng tiếng :
- Thương là khác, tôn trọng là khác.
- Hôm trước đi mua áo mẹ hỏi con thích chiếc áo màu xanh hay chiếc áo màu vàng. Con nói con thích áo màu vàng. Tưởng sao, mẹ nói: Thôi mua áo màu xanh đi con. Mặc màu xanh cho mát.”
Phiên tòa đặc biệt ấy vẫn chưa kết thúc, còn rất nhiều điều xin dành để bạn đọc tự khám phá và chiêm nghiệm.
“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” thực sự là cuốn truyện hữu ích cho cả người lớn và trẻ em. Với trẻ em, cuốn sách hẳn đem lại cho các em niềm vui thích bằng cách kể chuyện duyên dáng, giàu tưởng tượng, những hư cấu kì ảo, và đối thoại thông minh. Các em nhìn thấy mình trong sách, thấy được thấu hiểu và trân trọng. Với người lớn, đọc truyện “Bạn có thể trở về thăm lại thời thơ ấu của mình bất cứ lúc nào, hay là nói khác đi lúc mà bạn nhận ra rằng thỉnh thoảng tắm mình trong dòng sông trong trẻo của tuổi thơ sẽ giúp bạn gột rửa những bụi bặm của thế giới người lớn một cách diệu kỳ”. Đặc biệt là những người trong lĩnh vực giáo dục, đọc truyện để rồi có một phương cách tiếp cận trẻ em từ một vị thế khác – vị thế của người bạn, nhằm có thể xóa đi được những ranh giới giữa trẻ con và người lớn.
Trong chương cuối của cuốn sách: “cuối cùng là chuyến tàu không có người soát vé”, một lần nữa tác giả nói về ý tưởng xây dựng cuốn sách. Tên sách“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” như một nỗi khát khao, một niềm khắc khoải của những ai đã ở quá xa cái sân ga tuổi nhỏ. Và tôi nhận ra hình như tôi đã có một hiểu lầm về tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, tôi đã tưởng như chuyến tàu đặc biệt đã đưa những người lớn tìm lại được thế giới tuổi thơ của mình, nhưng đến cuối tác phẩm, tôi bỗng nhận ra một ý nghĩa khác qua những câu thơ:
“Ôi thành phố tuổi thơ-
bài ca ngày nhỏ
chúng tôi hát-
Xin cảm ơn điều đó
Nhưng chúng tôi không trở lại,
đừng chờ
Trái đất nhiều đường.
Từ thành phố tuổi thơ
Chúng tôi lớn,
đi xa…
Hãy tin!
Và thứ lỗi!”
Kết thúc tác phẩm tác giả không thể trở lại thành phố tuổi thơ của mình. Vì sao vậy? Câu trả lời xin dành cho bạn đọc. Chương cuối cuốn sách đã khép lại hành trình tuổi thơ của tác giả, nhưng cũng khởi đầu cho hành trình trở về tuổi thơ của mỗi người. Vậy ngay từ bây giờ bạn đọc hãy tìm đến cuốn sách để bắt đầu cuộc hành trình của riêng mình.