Nhận thấy tầm quan trọng của việc bồi dưỡng thanh niên phục vụ cách mạng và xây dựng đất nước, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2 năm 1931, Trung ương Đảng đã dành một phần quan trọng trong chương trình làm việc để bàn về công tác thanh niên và đi đến những quyết định có ý nghĩa đặc biệt liên quan trực tiếp tới tầng lớp thanh niên. Đó là các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương phải cử ngay các ủy viên của Đảng phụ trách công tác Đoàn. Hội nghị đã quyết định thống nhất các tổ chức Đoàn cơ sở thành Đoàn thanh niên Cộng sản Đông Dương. Đây chính là những tổ chức tiền thân của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Tại thời điểm thành lập, trên cả 3 miền Bắc-Trung-Nam có khoảng 1.500 đoàn viên và một số địa phương đã hình thành tổ chức Đoàn từ xã, huyện đến cơ sở.
Được Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bác Hồ cho phép, theo đề nghị của Trung ương Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, Đại hội toàn quốc lần thứ 3 họp từ ngày 22 - 25/3/1961 đã quyết định lấy ngày 26/3/ 1931 làm ngày thành lập Đoàn hàng năm.
Từ ngày 26/3/1931 đến nay, để phù hợp với nhiệm vụ cách mạng, Đoàn đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau như:
• Từ 1931 - 1936: Đoàn TNCS Việt Nam, Đoàn TNCS Đông Dương
• Từ 1937 - 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương
• Từ 11/1939 - 1941: Đoàn Thanh niên phản đế Đông Dương
• Từ 5/1941 - 1956: Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam
• Từ 25/10/1956 - 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam
• Từ 2/1970 - 11/1976: Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh
• Từ 12/1976 đến nay: Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
Trải qua 88 năm, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh luôn xứng đáng với vai trò, sứ mệnh của mình trong việc dẫn dắt, bồi dưỡng thanh niên Việt Nam có tinh thần yêu nước, lòng nhiệt tình cống hiến, trách nhiệm, đúng với tinh thần, ý chí của các thế hệ đi trước:“Đâu cần Thanh niên có/ Đâu khó có thanh niên”.