Chính thái độ im lặng, dồn nén cảm xúc tiêu cực của các em sẽ dẫn đến những vấn đề tâm lý nguy hiểm, thậm chí có em rơi vào tự kỷ, trầm cảm, loạn thần. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập, thi cử của các em mà còn gây chấn động tâm lý lâu dài.
Trong các kỳ thi quan trọng, nếu các em có tâm trạng bi quan chán nản sẽ khó có thể vượt qua những trở ngại. Ngược lại, nếu có tinh thần lạc quan, tự tin, thì khả năng thành công cao hơn nhiều. Điều quan trọng là các em phải có niềm tin vào bản thân, đồng thời cũng cần có sự chuẩn bị về tâm lý để đón nhận thất bại và kiên trì phấn đấu vươn lên.
Để giảm áp lực, các em cần có kế hoạch ôn tập điều độ, tránh tình trạng học dồn vào những ngày sắp thi. Nhà trường và giáo viên nên quan tâm hơn tới tâm lý học sinh, hỗ trợ các em thông qua nhiều hình thức như giúp học sinh xác định mục tiêu, đơn vị kiến thức cần đạt được trong mỗi tiết học, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, có kế hoạch cụ thể với từng nhóm học sinh khác nhau nhằm giúp các em đạt kết quả cao nhất…
Bên cạnh đó, các bậc bố mẹ nên đồng hành, tôn trọng, lắng nghe và tin tưởng ở con mình. Cha mẹ cần bồi đắp cho con có lòng tự trọng để con hiểu rằng mỗi cá nhân luôn có giá trị riêng, dù chưa thành công song vẫn được mọi người yêu quý. Trước các kỳ thi, cha mẹ nên cho con em mình học tập và sinh hoạt đúng giờ giấc, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, sát cánh cùng con trong mùa ôn thi như nhắc nhở con dậy sớm học bài, ngủ nghỉ đúng giờ, kiểm tra, đôn đốc, động viên con thực hiện kế hoạch ôn tập hợp lý…
Ngoài ra, mỗi học sinh nên lập kế hoạch ôn tập cụ thể, cần ôn xen kẽ các môn học để tránh bị nhàm chán, chọn thời điểm học phù hợp với bản thân nhưng không nên thức quá khuya. Để đảm bảo sức khỏe, các em cũng nên bổ sung nhiều thực phẩm bổ dưỡng, rau quả, hạn chế sử dụng những chất kích thích gây ít ngủ, lựa chọn các hình thức thư giãn để giải tỏa căng thẳng như nghe nhạc, gặp gỡ bạn bè, ra ngoài trời hít thở không khí trong lành.