Trong lịch sử các vương triều, những người phụ nữ nơi thâm cung bí sử luôn có ảnh hưởng nhất định đến vận mệnh quốc gia và an nguy thời cuộc. Thái hậu Dương Vân Nga đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê. Nguyên phi Ỷ Lan hai lần nhiếp chính, giữ vững sự hưng thịnh của nhà Lý và góp phần không nhỏ vào sự phồn thịnh của Phật giáo. Sử sách cũng ghi lại vụ án Lệ Chi Viên với nhiều uẩn khúc liên quan đến hoàng hậu Nguyễn Thị Anh (triều Lê Thánh Tông). Vị hoàng hậu cuối cùng của nhà Nguyễn - Nam Phương hoàng hậu (vợ vua Bảo Đại) được tôn sùng như một biểu tượng về nhan sắc xinh đẹp, từng ba năm liền đạt giải hoa hậu Đông dương.Hôm nay, trường THCS Thanh Xuân Trung xin giới thiệu với bạn đọc cuốn sách Những Phi - Hậu Nổi Tiếng Của Các Triều Đại Việt Nam do Nhóm Trí thức Việt biên soạn, NXB Thời Đại ấn hành năm 2014 với khổ sách 13*20,5 và dày 205 trang mà thư viện giới thiệu sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chân dung những vị phi - hậu nổi tiếng của Việt Nam, nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn bao quát về những người phụ nữ quyền lực trong lịch sử phong kiến nước ta.
Nhắc đến các phi- hậu nổi tiếng chúng ta không thể không nói đến vị hoàng hậu cầm quân đánh giặc đó là Phạm Thị Uyển, vợ vua Mai Hắc Đế, đồng thời là thành hoàng được dân làng Hòa Mục (Cầu Giấy, Hà Nội) thờ tự kính cẩn từ nhiều đời nay. Theo thần tích được ghi trong tư liệu lịch sử của đình làng Hòa Mục, bà Phạm Thị Uyển là con gái đầu trong một gia đình ở quận Nam Xương. Cha là ông Phạm Huyên, hiệu là Minh Dực, mẹ là Phùng Thị Thảo hiệu Diệu Hoa. Gia đình Phạm Công ăn ở phúc đức mà muộn đường con cái nên ông bà ngày đêm đến chùa cầu cúng. Một ngày kia ông bà được báo mộng có người nối dõi. Từ đấy, bà mang thai và đồng sinh một gái, hai trai.Phạm Thị Uyển là chị cả, dưới còn Phạm Miện và Phạm Huy. Hai người em bà sau này đều là các danh tướng trong cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng. Năm Phạm Thị Uyển 18 tuổi lấy Mai Thúc Loan. Khi Mai Thúc Loan khởi nghĩa thắng lợi lên ngôi hoàng đế, Phạm Thị Uyển trở thành hoàng hậu. Quân Đường thua trận nhưng không chịu bỏ mộng xâm lăng. Bởi vậy, nhà Đường sai Dương Tư Húc mang 10 vạn quân sang đánh. Thế giặc mạnh làm cho đội quân gồm những nông dân khởi nghĩa phải lui dần rồi bị tan vỡ.Trong trận quyết chiến ở phủ thành Tống Bình, hoàng hậu Phạm Thị Uyển cũng dẫn đầu một cánh quân thủy giao chiến ác liệt với quân địch trên dòng Tô Lịch. Bấy giờ sông Tô còn là một nhánh của sông Hồng và là mặt án ngữ phía tây của thành Đại La. Thế giặc mạnh, quân ta bị đuối dần. Thế cùng lực kiệt nhưng quyết không để rơi vào tay giặc, hoàng hậu Phạm Thị Uyển đã nhảy xuống sông Tô Lịch tự vẫn.
Hay mẫu nghi thiên hạ tài sắc vẹn toàn – nguyên phi Ỷ lan. Ỷ Lan là vợ vua Lý Thánh Tông trong lịch sử Việt Nam. Vua ngự giá đến trang Thổ Lỗi, thấy một cô thôn nữ xinh đẹp vẫn điềm nhiên hái dâu bên cạnh gốc lan. Lý Thánh Tông lấy làm lạ, cho người gạn hỏi. Người con gái đối đáp thông minh, cử chỉ đoan trang dịu dàng. Đó chính là Yến Loan.
Vua truyền lệnh tuyển cô gái ấy vào cung, rước về Lan Cung thuộc đất làng Kim Cổ, huyện Thọ Xương của kinh thành Thăng Long. Lý Thánh Tông phong Yến Loan là Ỷ Lan phu nhân, cũng có ý kỷ niệm hình ảnh cô gái đứng tựa bên gốc lan. Bà có rất nhiều đóng góp tích cực vào cơ nghiệp của nhà Lý. Ỷ Lan đã hai lần làm nhiếp chính. Năm Kỷ Dậu 1069, Lý Thánh Tông thân chinh cùng Lý Thường Kiệt mang quân đi đánh Chiêm Thành, trao quyền nhiếp chính cho Ỷ Lan. Cũng năm ấy, nước Đại Việt không may bị lụt lớn, mùa màng thất bát, nhiều nơi sinh loạn. Nhưng nhờ có kế sách trị nước đúng đắn, quyết đoán táo bạo, loạn lạc đã được dẹp yên, dân đói đã được cứu sống.
Cảm cái ơn ấy, cũng là cách suy tôn một tài năng, nhân dân đã tôn thờ Ỷ Lan là Quan Âm Nữ, lập bàn thờ Ỷ Lan. Năm Nhâm Tý 1072, Lý Thánh Tông đột ngột qua đời, hoàng thái tử Lý Càn Đức mới 7 tuổi lên nối ngôi (tức hoàng đế Lý Nhân Tông), bà được tôn làm Hoàng thái phi, rồi Hoàng thái hậu. Triều đình rối ren, Ỷ Lan đã coi triều chính, điều khiển cả quốc gia, cùng tể tướng Lý Thường Kiệt chủ trương đánh quân Tống xâm lược. Hai lần quân Tống sang xâm lược (1075 và 1077), vua Lý Nhân Tông chưa quá 10 tuổi, Ỷ Lan đã bỏ qua hiềm khích cũ, điều Lý Đạo Thành từ Nghệ An về, trao lại chức Thái sư, cùng Lý Đạo Thành lo việc binh lương chuyển ra tiền tuyến. Là người rất am hiểu và hâm mộ đạo Phật, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan có công xây dựng hàng trăm ngôi chùa. Chính nhờ câu chuyện giữa bà và các vị sư thời Lý, mà đến nay mới biết được gốc tích sự truyền bá đạo Phật vào Việt Nam. Không chỉ giỏi đánh giặc, phụ nữ Việt Nam còn giỏi trị quốc. Đó là hình ảnh của Nguyên phi, Hoàng thái hậu Ỷ Lan (1044-1117) – một trong những danh nhân huyền thoại của dân tộc Việt Nam bởi có tài trị nước xuất chúng.Và còn rất nhiều những vị phi - hậu nổi tiếng khác của Việt Nam, mời quý thầy-cô và các em học sinh hãy đến thư viện tìm đọc.Qua từng trang sách bạn đọc sẽ được gặp lại những người phụ nữ tuy nhỏ bé nhưng cống hiến cũng như tầm ảnh hưởng của họ đối với nước nhà. Một lần nữa thấy được sự hoàng hùng của những trang sử Việt Nam.
Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc!