Khi bước vào tuổi dậy thì, cùng với sự phát triển của cơ thể là sự phát triển của cảm xúc. Học trò bậc THCS bắt đầu có những rung động đầu đời. Tuy nhiên, bên cạnh sự rung động và phát triển tình cảm này, các em còn có mục tiêu về học tập và phát triển bản thân.
Có nhiều cách khác nhau để phân biệt giữa tình bạn và tình yêu. Thông thường, tình bạn khác giới được thể hiện ở sự quan tâm, chia sẻ, chăm sóc lẫn nhau một cách vô tư, thuần túy. Trong khi tình yêu tuổi học trò lại khác, hầu hết những người yêu nhau thích tách riêng ra thành một đôi để tự chăm sóc cho đối phương. Khi xa nhau, họ sẽ cảm thấy nhớ da diết, mong mỏi được gặp nhau mỗi ngày. Bên cạnh đó, họ còn có nhu cầu xích lại gần nhau bởi những động chạm cơ thể của đối phương như nắm tay, khoác vai, ôm hôn... Song, quan trọng nhất vẫn là do sự cảm nhận của mỗi người và cần có thời gian nhiều hơn nữa để khẳng định tình cảm thực sự của mình là gì.
Tuy nhiên, tuổi học trò nên dừng lại ở mức tình bạn trong sáng, không nên vượt quá giới hạn để tránh việc khó kìm chế cảm xúc bản thân, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Một vài cách đơn giản dưới đây có thể giúp các em quản lý những rung động của mình để không ảnh hưởng tới những mục tiêu khác.
1. Hãy luôn nghĩ tới mục tiêu lớn nhất là phát triển năng lực bản thân để đóng góp cho cuộc sống sau này.
2. Sự rung động hay hướng tới một tình yêu cho chúng ta một cảm xúc để chúng ta vui vẻ và hoạt động.
3. Tuy nhiên nếu sự rụng động làm ảnh hưởng đến học tập và con đường đi thì chúng ta phải quản lý cảm xúc đó: Không mơ mộng quá nhiều đến chuyện tình cảm, nếu học bài mà cứ nghĩ tới chuyện tình cảm thì hãy nghĩ tới mục tiêu chính của mình là phát triển bản thân.
4. Khi có những rung động quá mạnh thì chỉ cần chú tâm tới giới hạn đã nói ở trên là chúng ta có thể quản lý được.
Các thầy cô giáo, cha mẹ cũng chính là những người đã trải qua rung động đầu đời đó có thể là những “tư vấn viên tích cực” cho các em để tình cảm tuổi học trò thực sự trở thành những kỉ niệm đẹp nhất của một thời cắp sách tới trường.